Hôm nay, ngày 19/3/2024
 

|Trang chủ|

|Tài liệu-Văn bản| | Đăng ký đề tài NCKH| |Hình ảnh|
DANH MỤC  

TÌM KIẾM

Trong:

 

GIẢI ĐÁP

  ĐH Đà Nẵng: Xây dựng phương án tuyển sinh không có nhiều xáo trộn lớn cho thí sinh
  Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 2018 thế nào?
  Đại học Đà Nẵng giải đáp một số thông tin liên quan đến việc đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2016
  Giải tỏa băn khoăn trước Kỳ thi THPT quốc gia 2016
  Đối tượng nào được tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích?
  Nếu gian dối, thí sinh sẽ bị tước quyền thi THPT quốc gia 2 năm
  Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2015
  Thí sinh hưởng lợi từ kỳ thi THPT quốc gia 2015
  Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ với học sinh đạt giải quốc gia
  Tuyển sinh CĐ ĐH 2015, trường hợp nào được tuyển thẳng?

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO GƯƠNG HỒ CHÍ MINH

Đoàn trường sinh hoạt giới thiệu sách về Bác Hồ

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2018)

Thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục vẹn nguyên giá trị thời đại

Vui Tết độc lập - niềm tự hào bất tận

Vinh danh SV xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Một bức thư lịch sử mãi nguyên vẹn giá trị

Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”

Học tập ý chí và phương pháp tự học của Bác Hồ

Phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ

TRANG NHẤT > GIẢI ĐÁP
Cập nhật: 12/12/2014 (GMT+7)

Giải đáp những câu hỏi “nóng” về kỳ thi THPT Quốc gia

Những giải đáp cụ thể từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) xung quanh những điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; sau khi xin ý kiến đóng góp trong ngành Giáo dục và toàn xã hội, báo cáo Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09/9/2014 về việc phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) từ năm 2015, với mục tiêu kế thừa những ưu điểm và khắc phục các hạn chế của các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay, làm giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực; đồng thời tác động tích cực trở lại quá trình dạy và học trong các trường phổ thông.

Việc tổ chức duy nhất một kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH làm căn cứ để tuyển sinh là một đổi mới căn bản trong công tác thi và tuyển sinh, nhận được sự đồng thuận cao của ngành Giáo dục và toàn xã hội.

Tuy nhiên, vì đây là một phương thức thi và tuyển sinh mới, nên còn có nhiều ý kiến trao đổi và những băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp kịp thời, thấu đáo.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và những người quan tâm muốn tìm hiểu về kì thi THPT quốc gia; đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của các thí sinh, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục biên soạn tài liệu “Hỏi – Đáp về kì thi trung học phổ thông quốc gia” trên cơ sở ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia giáo dục trong quá trình xây dựng phương án thi; các vấn đề được đặt ra trong các hội nghị bàn về thi, tuyển sinh của khối giáo dục phổ thông và khối các trường ĐH, CĐ; các câu hỏi thực tế của bạn đọc trong và ngoài ngành Giáo dục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mong nhận được những góp ý, nhận xét, bổ sung của bạn đọc để tài liệu ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần vào thành công chung của kì thi THPT quốc gia từ năm 2015.


Câu 1. Bộ GDĐT đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ bằng cách tổ chức kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 dựa trên cơ sở nào?

Trả lời:

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu:

- “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học”;

- “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.

2. Luật Giáo dục Đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

3. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kì thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học...”.

4. Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ (Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ): “Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và hướng tới có một kì thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

5. Trong những năm gần đây, các trường phổ thông đã thu được những kết quả bước đầu về đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để đổi mới căn bản phương thức thi.

- Các kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trong 13 năm qua đã khẳng định những thành công, ưu điểm, được xã hội đồng tình và đánh giá cao. Kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã trở nên nghiêm túc, thân thiện hơn, giảm áp lực cho học sinh và xã hội. Kết quả của 2 kì thi phản ánh được thực chất năng lực của học sinh.

- Tuy vậy, hình thức thi "3 chung" đang ngày càng bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường ĐH, CĐ; nhất là khi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

- Việc tổ chức liên tiếp 2 kì thi quốc gia như những năm qua đã gây nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội.

Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lí luận và thực tiễn. Đây chính là khâu đột phá, góp phần đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội, tác động tích cực đối với quá trình dạy và học trong các nhà trường phổ thông.

Câu 2. Mục đích và nguyên tắc của kì thi THPT quốc gia?

Trả lời:

- Mục đích của kì thi là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; đồng thời có tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.

- Nguyên tắc của kì thi là phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, giảm tốn kém, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; Đảm bảo tính kế thừa, liên tục của lộ trình đổi mới thi theo hướng chuyển từ chú trọng kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học; Không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh; Vận dụng có hiệu quả những thành tựu hiện đại về đánh giá chất lượng giáo dục.

Câu 3. Những đổi mới căn bản nhất của kì thi THPT quốc gia?

Trả lời:

1. Thay vì tổ chức hai kì thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây, kì thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ; có tác động tích cực đối với quá trình dạy và học ở nhà trường phổ thông.

2. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của các trường ĐH, CĐ (nếu các trường sử dụng các môn này để tuyển sinh). Ngoài ra, để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh có thể đăng kí thi thêm các môn tự chọn khác.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT sẽ được xem xét miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

3. Tổ chức coi thi, chấm thi:

- Bộ GDĐT giao cho các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.

- Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo các cụm thi liên tỉnh.

- Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh.

4. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng kí tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ. Việc này tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây, đã có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Câu 4. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giữ lại kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, không nên tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp THPT. Quan điểm của Bộ GDĐT như thế nào về ý kiến này?

Trả lời:

Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông, có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả dạy học và luôn được toàn xã hội quan tâm.

Thi tốt nghiệp THPT được quy định trong Luật Giáo dục. Kì thi này không chỉ nhằm mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà quan trọng hơn là nhằm mục đích khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy học sinh tích cực học tập, cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích, giúp cho giáo viên, nhà quản lí giáo dục điều chỉnh quá trình dạy học và quản lí để đạt mục tiêu chất lượng dạy học ngày càng cao.

Thực tế cho thấy, nếu không thi thì cả người học và người dạy đều rất ít cố gắng. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT và kết quả thi còn là minh chứng cần thiết để phân luồng học sinh trong điều kiện hệ thống giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT; là điều kiện cần để tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo trong và ngoài nước.

Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và những ưu điểm của thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua; không phải là bỏ 1 trong 2 kì thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức 1 kì thi với 2 mục đích. Phương thức này phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển, đó là coi trọng các điều kiện đảm bảo chất lượng, quản lí quá trình giáo dục và quản lí chất lượng đầu ra.

Từ đó thấy rằng, cả xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều cần đến thi. Việc có một kì thi đáp ứng được cả 2 mục đích này là một sự cố gắng đổi mới để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội: “Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực…”; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Câu 5. Việc tổ chức kì thi THPT quốc gia có phát sinh tốn kém cho thí sinh so với các kì thi những năm qua?

Trả lời:

So với chi phí cần cho việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây trong một năm thì chi phí của kì thi THPT quốc gia sẽ giảm đi nhiều vì các lí do chính sau:

- Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kì thi liền nhau; đặc biệt trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi, gây khó khăn, tốn kém cho gia đình và xã hội. Năm nay, với việc chỉ tham dự một kì thi được tổ chức thành nhiều cụm thi liên tỉnh, thí sinh đỡ phải đi xa, sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi;

- Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kì thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng, trong kì thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi; do vậy, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kì thi;

- Trước đây, Bộ GDĐT phải xây dựng ít nhất 5 bộ đề thi (2 bộ cho kì thi tốt nghiệp THPT và 3 bộ cho 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ), với kì thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chỉ phải xây dựng 1 bộ đề thi;

- Mặc dù, năm 2015 có một số khó khăn phát sinh khi tổ chức kì thi THPT quốc gia nhưng sẽ không phát sinh thêm chi phí. Tổ chức thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày của từng đợt thi ĐH, CĐ từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi như trước đây thì tổng thời gian tổ chức kì thi được rút ngắn. Cán bộ, giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng việc này tạo điều kiện thuận lợi cho một số lượng rất lớn thí sinh không phải di chuyển xa như những năm trước.

Câu 6. Bộ GDĐT có tính đến quyền lợi của thí sinh, đối tượng bị tác động nhiều nhất trong đổi mới thi cử?

Trả lời:

Bộ GDĐT luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của xã hội, trong đó có ý kiến của học sinh, đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc đổi mới thi cử. Phương án thi được chọn có mục tiêu quan trọng là hướng đến bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Trong những năm trước mắt, các em vẫn tiếp tục học, thi, kiểm tra, đánh giá theo chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay nên không phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều. Các em yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng.

Việc đổi mới thi, tuyển sinh sẽ được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tất nhiên, bất kì sự thay đổi nào cũng ít nhiều gây lo lắng cho thí sinh, nhất là khi cách thi cũ đã tồn tại rất nhiều năm và trở nên quen thuộc, dù đã bộc lộ rõ một số hạn chế và tốn kém.

Câu 7. Vai trò của các UBND các tỉnh/thành phố, các cơ sở giáo dục đại học, các sở GDĐT trong việc tổ chức kì thi THPT quốc gia?

Trả lời:

Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 tiếp tục kế thừa những thành công của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua. Việc tổ chức cụm thi tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh từ năm 2003 và Hải Phòng từ năm 2012 đã khẳng định những ưu điểm của tổ chức thi theo cụm, được xã hội đồng tình và đánh giá cao. Năm 2015 sẽ mở rộng tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, huy động cán bộ, giảng viên giáo viên của các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT tham gia.

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh nhằm thống nhất chỉ đạo kì thi trên địa bàn. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố làm Trưởng Ban; lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo sở GDĐT làm Phó Trưởng Ban; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và tổ chức đoàn thể có liên quan làm ủy viên.

Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức kì thi theo quy chế thi và văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, quy chế thi của các Hội đồng thi, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố và Bộ GDĐT về hoạt động của Ban Chỉ đạo thi, tình hình tổ chức kì thi và việc thực hiện quy chế thi tại địa phương.

Tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm. Mỗi cụm thi là một Hội đồng coi thi, chấm thi, có thể gồm nhiều điểm thi. Bộ GDĐT thành lập các cụm thi liên tỉnh, giao cho các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì. Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo các sở GDĐT làm Phó Chủ tịch Hội đồng thi. Trong Hội đồng thi có Ban thư kí, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban chấm kiểm tra, Ban sao in đề thi và Ban phúc khảo.

- Riêng các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dùng kết quả học tập để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh.

Lãnh đạo Hội đồng coi thi, chấm thi đều có thành phần của trường đại học và của sở GDĐT. Tham gia coi thi, chấm thi tại mỗi cụm là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.

Các sở GDĐT chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh của các trường phổ thông; tổ chức việc chuẩn bị hồ sơ và điều kiện về cơ sở vật chất cho kì thi; lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; tổ chức cho học sinh đăng kí dự thi, chuyển dữ liệu đăng kí dự thi về Bộ GDĐT; xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương và phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong việc coi thi, chấm thi.

Câu 8. Với việc ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch không?

Trả lời:

Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên”. Tại kì thi THPT quốc gia thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (được xác định là cần thiết chung cho tất cả các học sinh) và 1 môn tự chọn (theo nguyện vọng và sở trường của từng học sinh) là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn nên phù hợp với chủ trương này.

Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, đồng thời học sinh không thể coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường.

Việc đưa vào kì thi các môn tự chọn là nhằm giảm áp lực cho các thí sinh, phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT và là giải pháp phù hợp với chủ trương định hướng nghề nghiệp, bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau.

Hơn nữa, xét trên bình diện cả nước, với việc cho học sinh tự chọn môn thi thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự cân đối, hài hoà hơn giữa các môn học trong nhà trường.

Câu 9. Những thí sinh vùng đặc biệt khó khăn, dự thi 4 môn tối thiểu ở cụm thi tại tỉnh có cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ hay không?

Trả lời:

Trong kì thi THPT quốc gia năm 2015, những thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng cơ hội hạn chế hơn vì phụ thuộc vào quy định của các trường này. Tuy nhiên, các thí sinh vẫn còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng. Do đó, các em cần theo dõi thông tin về Đề án tuyển sinh riêng của các trường để tham gia tuyển sinh, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH, CĐ này.

Câu 10. Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định trong kì thi THPT quốc gia thì các trường ĐH, CĐ thi tuyển các môn năng khiếu như hội họa, múa, hát, diễn kịch, thể dục thể thao vào thời điểm nào?

Trả lời:

Ngoài việc sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ tùy thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác.

Trong đó, các trường thuộc khối văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong những năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Các trường có các môn thi năng khiếu, muốn sử dụng chung kết quả thi năng khiếu thì phải có văn bản thoả thuận phối hợp giữa các trường và quy định trong Đề án tuyển sinh riêng của mỗi trường.

Các trường sẽ có phương thức tổ chức thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cần xem thông tin chi tiết về Đề án tuyển sinh riêng của các trường được công bố rộng rãi trên website của trường và phương tiện truyền thông khác trước 01 tháng 01 hằng năm để biết và thực hiện.

Câu 11. Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kì kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông... Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã tổ chức thi trong kì thi THPT quốc gia hay không?

Trả lời:

Trong quá trình xây dựng Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia, với mục đích của kì thi là để xét công nhân tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ, Bộ GDĐT đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Giám đốc sở GDĐT; các trường ĐH, CĐ; cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh THPT trong cả nước. Sau đó, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Tuyệt đại đa số các trường ĐH, CĐ đều thống nhất sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, không tổ chức thi các môn đã thi ở kì thi này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác.

Để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh tham khảo. Đối với các trường tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng, Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Câu 12. Hiện nay nhiều thí sinh lo lắng ngoài các môn thi theo khối vào ĐH mà các em lựa chọn từ trước, các em sẽ phải thi thêm một số môn khác, trong khi đó các em không đầu tư học những môn này nhiều. Ví dụ thí sinh khối A thì không chú trọng học môn Ngữ văn, Ngoại ngữ. Nếu đề thi của kì thi chung khó như đề đại học thì các em không thể làm bài tốt được. Xin giải thích thêm về điều này?

Trả lời:

Đề thi trong kì thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi bao gồm các câu hỏi ở mức độ từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản, phù hợp với hầu hết thí sinh (phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp) và yêu cầu nâng cao để phân hoá trình độ thí sinh (phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ).

Ví dụ thí sinh thi khối A thì môn Ngữ văn và Ngoại ngữ chỉ cần trả lời được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh chỉ cần học tập đáp ứng yêu cầu cơ bản quy định trong chương trình là có thể tốt nghiệp THPT và tập trung đầu tư học nhiều hơn vào các môn Toán, Vật lí, Hoá học phù hợp với tổ hợp môn thi (khối thi) để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ.

Câu 13. Đối với những thí sinh thi từ những năm trước chưa đạt kết quả, năm 2015 thi lại thì phải thi những môn nào của kì thi THPT quốc gia?

Trả lời:

- Nếu thí sinh chưa tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước, tham dự kì thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng kí thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.

- Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, chỉ cần đăng kí thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ có phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.

Câu 14. Tại sao trong khi đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ mà Bộ lại cho phép học sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế môn thi? Theo quy định, những học sinh chưa được học ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, được chọn môn thi thay thế; vậy thế nào là dạy học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng?

Trả lời:

Trong thời kì đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ là công cụ rất quan trọng đối với người lao động, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lí do chính để kết quả thi ngoại ngữ được chọn là điều kiện bắt buộc khi xét tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ trong thời gian qua là không đồng đều, chất lượng dạy học ngoại ngữ có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, nhất là giữa các đô thị lớn với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước.

Điều kiện dạy học không đảm bảo chất lượng thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh như: giáo viên dạy môn Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ; việc thực hiện chương trình không liên tục; do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ;... Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kì thi THPT quốc gia. Giám đốc Sở GDĐT căn cứ quy định của quy chế thi và thực tế của địa phương báo cáo Bộ GDĐT xem xét, quyết định việc chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, việc cho phép các thí sinh lựa chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Các nhà trường chưa đủ điều kiện phải nỗ lực để nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu về dạy học ngoại ngữ. Việc này nhằm tạm thời tránh áp lực cho nhà trường để tập trung khắc phục khó khăn, nhất là việc tạm thời không phân công giảng dạy để giáo viên yên tâm đi học chuẩn hoá năng lực, nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu để học sinh được học và thi ngoại ngữ có chất lượng thật sự trong các năm sau.

Bên cạnh đó, việc cho phép các thí sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ được khẳng định là đảm bảo chất lượng, theo quy định do Bộ GDĐT công bố, để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực học tập tích cực, khuyến khích các thí sinh tận dụng cơ hội ngoài nhà trường để học và thi ngoại ngữ đạt chuẩn và có giá trị quốc tế.

Câu 15. Những chứng chỉ nào sẽ được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ cho xét công nhận tốt nghiệp THPT?

Trả lời:

Bộ GDĐT sẽ sớm cụ thể hoá quy định về miễn thi môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng chấp nhận các chứng chỉ quốc tế thuộc hệ thống chứng chỉ tương thích với Khung tham chiếu châu Âu (và cũng tương thích với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam), do các tổ chức khảo thí có uy tín cấp. Các thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ cũng được miễn thi (ví dụ Olympic quốc tế môn Tiếng Nga).

Đề thi ngoại ngữ trong những năm trước mắt sẽ có yêu cầu năng lực theo chuẩn của chương trình 7 năm, tiến tới sẽ theo yêu cầu của chương trình 10 năm và đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Câu 16. Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục đích của kì thi và đánh giá được toàn diện thí sinh?

Trả lời:

Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp hoặc học tiếp ở các bậc tiếp theo; hiện nay, các trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Đề thi những năm gần đây, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của mình vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.

Đề thi trong kì thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ).

Câu 17. Việc tổ chức thi ở các cụm thi khác nhau có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các cụm thi, khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc, nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn. Bộ GDĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo kì thi khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?

Trả lời:

Kì thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi, với kĩ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước.

Những đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao, nhất là kì thi tốt nghiệp THPT đã có những chuyển biến tích cực, trường thi an toàn, nghiêm túc, các hiện tượng tiêu cực, “phao thi” đã giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các kì thi trước đây do sở GDĐT chủ trì. Bộ GDĐT đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của kì thi tại tỉnh.

Bộ không phân biệt thí sinh thi tại cụm thi nào, các thí sinh đều cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện tượng dùng “phao thi”.

Bộ GDĐT sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt kì thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao. Đặc biệt, đối với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kì thi.

Các giải pháp kĩ thuật sẽ được tăng cường, trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lí thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lí kết quả thi.

Câu 18. Hãy cho biết những điểm kế thừa, đổi mới để tổ chức một kì thi thực sự nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao?

Trả lời:

Để tổ chức kì thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao thì phải làm tốt tất cả các khâu từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lí và sử dụng kết quả thi; phát huy các ưu điểm của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong các năm trước nhưng có yêu cầu cao hơn, phát triển hơn. Những điểm chính là:

- Sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tương tự như các cụm thi tuyển sinh “3 chung” trong các năm trước.

- Sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở; đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Hiện nay, Bộ GDĐT đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi; trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục.

- Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm những sai phạm xảy ra.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lí kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của kì thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, công khai kết quả thi trên mạng, xử lí thống kê kết quả thi phục vụ công tác đánh giá, phản hồi chất lượng đề thi và hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Câu 19. Cách thức xét công nhận tốt nghiệp THPT ở kì thi này có gì khác so với kì thi năm 2014? Ý nghĩa và cách tính ngưỡng điểm tối thiểu xét công nhận tốt nghiệp và ngưỡng điểm tối thiểu xét vào ĐH, CĐ?

Trả lời:

Để đảm bảo học sinh được “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu cơ bản đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển ĐH, CĐ tốt, Bộ GDĐT sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Ngưỡng điểm tối thiểu là mức điểm thấp nhất được sử dụng xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc xét trúng tuyển ĐH, CĐ; có tác dụng đảm bảo chất lượng của thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT hoặc thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Điểm để xét công nhận tốt nghiệp, gồm điểm thi 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) kết hợp với điểm trung bình học tập cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có).

Điều kiện để thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được quy định cụ thể trong quy chế thi, nhưng về cơ bản tương tự như quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.

Căn cứ vào kết quả các môn thi của kì thi, Bộ sẽ có quy định ngưỡng điểm tối thiểu đối với tổ hợp các môn thi để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ; đồng thời tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các trường trong công tác xét tuyển.

Câu 20. Những đổi mới trong kì thi THPT quốc gia có liên quan như thế nào đối với công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ?

Trả lời:

Kì thi THPT quốc gia có các điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH như:

- Kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh;

- Thí sinh đăng kí dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi;

- Các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc tuyển sinh theo các khối thi như trước đây, đồng thời có quyền quy định các khối thi mới phù hợp với yêu cầu tuyển sinh vào các ngành đào tạo.

- Quản lí kết quả thi theo hướng tập trung, thí sinh ảo giảm.

Đối với thí sinh, việc đăng kí dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro như trước đây là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH; các em có cơ hội lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được các thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Với cách thức tuyển sinh mới, thí sinh sẽ được linh hoạt hơn trong việc chọn các khối thi phù hợp.

Việc thí sinh đăng kí xét tuyển sau khi có kết quả thi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Đây là động lực bên trong để các cơ sở giáo dục đại học có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Câu 21. Quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ và quyền chủ động của thí sinh trong tuyển sinh được thực hiện như thế nào khi sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục đại học và dựa vào các quy định của quy chế tuyển sinh:

1. Việc sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia với ngưỡng điểm tối thiểu của tổ hợp môn thi (khối thi) do Bộ GDĐT hướng dẫn sẽ tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các nhà trường. Từng trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể (xét điểm của những tổ hợp môn thi nào? Hệ số tính điểm của mỗi môn…) để xét tuyển cho phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo. Cụ thể:

- Chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh;

- Kết hợp sử dụng kết quả thi với xét học bạ của thí sinh;

- Sử dụng kết quả thi nhưng thi bổ sung thêm (thi năng khiếu);

- Sử dụng kết quả thi kết hợp với các hình thức kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, IQ và các hình thức phù hợp khác;

- Sử dụng trực tiếp kết quả 4 môn thi tối thiểu.

Để thực hiện các phương thức tuyển sinh trên, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh, đồng thời công bố công khai để thí sinh chủ động tham khảo.

2. Nếu không sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, trường có thể tổ chức kì thi tuyển sinh riêng. Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Câu 22. Việc tổ chức kì thi THPT quốc gia có mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ không?

Trả lời:

Tự chủ trong tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Điều quan trọng là phải tổ chức kì thi THPT quốc gia sao cho kết quả có sự phân hóa và độ tin cậy cao để nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với việc kế thừa, phát triển những gì tốt nhất của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo hình thức “3 chung” để tổ chức kì thi THPT quốc gia sẽ giúp các trường ĐH, CĐ có cơ sở yên tâm sử dụng kết quả kì thi trong tuyển sinh.

Cùng với sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia, căn cứ vào đặc điểm của các ngành đào tạo của trường và yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận;…

Các trường không sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh sẽ thực hiện tuyển sinh riêng theo Đề án tuyển sinh riêng của trường. Đây là việc các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình theo Luật Giáo dục Đại học. Như vậy, việc tổ chức kì thi THPT quốc gia hoàn toàn không mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học, cao đẳng.

Câu 23. Bộ GDĐT có quy định mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH, CĐ không?

Trả lời:

Trước đây, khi chưa có kết quả thi các em đã phải đăng kí nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Từ năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh và yêu cầu xét tuyển của các trường thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lí dữ liệu kì thi để hỗ trợ đăng kí thi, đăng kí tuyển sinh và xét tuyển với phương châm khắc phục những hạn chế ở các kì tuyển sinh năm trước, trong đó có tình trạng thí sinh ảo.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi để tuyển sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt; trong từng đợt, mỗi thí sinh sẽ được đăng kí một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy).

Câu 24. Thời gian tổ chức thi của các trường tuyển sinh riêng được quy định như thế nào? Bộ GDĐT có khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung để xét tuyển vào ĐH, CĐ không?

Trả lời:

Bộ GDĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh riêng.

Một trong hai mục đích của kì thi là lấy kết quả thi làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tùy thuộc vào các trường ĐH, CĐ; mỗi trường có quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất cho mình. Vì vậy, Bộ GDĐT không khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung; các trường ĐH, CĐ có những yêu cầu riêng đều có thể tổ chức thêm kì kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận, … để chọn thí sinh cho phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Câu 25. Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ là lấy điểm 4 môn thi tối thiểu để xét hay tùy vào trường ĐH, CĐ mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu để xét tuyển?

Trả lời:

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu sẽ được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của từng trường ĐH, CĐ.

Việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ công bố công khai tổ hợp các môn thi được sử dụng để xét tuyển trên cơ sở các khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể điều chỉnh các tổ hợp này, xây dựng tổ hợp mới; các trường sẽ sớm công bố để thí sinh biết và thực hiện.

Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn đăng ký dự thi thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Câu 26. Bộ GDĐT có quy định gì dành cho thí sinh thi liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) tham dự kì thi?

Trả lời:

Thi liên thông được quy định trong Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012. Những thí sinh có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ chưa đủ 36 tháng thì dự thi kì thi THPT quốc gia nhưng chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường ĐH, CĐ lựa chọn. Hiện nay, chưa có quy định nào về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này.

Câu 27. Trong kì thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên (theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) có tiếp tục được thực hiện như trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 không?

Trả lời:

Các chế độ ưu tiên, tuyển thẳng đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kì thi THPT quốc gia từ năm 2015. Bộ GDĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Câu 28. Công tác thanh tra, kiểm tra trong kì thi THPT quốc gia sẽ được tiến hành như thế nào?

Trả lời:

Công tác thanh tra, kiểm tra trong kì thi THPT quốc gia được thực hiện tương tự như trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng theo hướng chặt chẽ, nghiêm túc hơn:

- Các Ban Chỉ đạo thi tổ chức các đoàn thanh tra thi để đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế thi ở các hội đồng coi thi, chấm thi;

- Bộ tổ chức các đoàn thanh tra lưu động, sử dụng lực lượng thanh tra của các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và bố trí các thanh tra cắm chốt tại các cụm thi;

- Tất cả những vi phạm đối với những người tham gia kì thi sẽ được xử lí nghiêm minh để hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong thi cử;

- Ban Chỉ đạo thi Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đột xuất không báo trước tại các cụm thi.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Hữu Siêu (Nguồn giaoducthoidai.vn/)
Quay lại In bản tin
ĐH Đà Nẵng: Xây dựng phương án tuyển sinh không có nhiều xáo trộn lớn cho thí sinh (23/04)
Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 2018 thế nào? (22/03)
Đại học Đà Nẵng giải đáp một số thông tin liên quan đến việc đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2016 (04/08)
Giải tỏa băn khoăn trước Kỳ thi THPT quốc gia 2016 (14/03)
Đối tượng nào được tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên, khuyến khích? (05/05)
Nếu gian dối, thí sinh sẽ bị tước quyền thi THPT quốc gia 2 năm (05/05)
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 (07/04)
Thí sinh hưởng lợi từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 (05/01)
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ với học sinh đạt giải quốc gia (12/12)
Tuyển sinh CĐ ĐH 2015, trường hợp nào được tuyển thẳng? (12/12)
Giải đáp về môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ 2015 (12/12)
Thi ĐH 2015: Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 6 nguyện vọng (12/12)
Hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm 2015 (12/12)
Có được dùng kết quả thi tốt nghiệp 2014 để xét tuyển ĐH 2015? (12/12)
Dự kiến tháng 1/2015, ban hành Quy chế xét tốt nghiệp THPT (12/12)
Điểm ưu tiên khu vực được tính như thế nào? (21/02)
Tin học và CNTT có sự khác nhau? (19/12)
Kì thi tốt nghiệp năm 2010 sẽ có 8 môn? (16/12)
Điều kiện và thủ tục phúc khảo (29/05)
Các loại máy tính cầm tay thí sinh được đem vào phòng thi (24/05)
Bảng tuần hoàn Mendeleev có được sử dụng ở các kì thi? (28/03)
Cách làm hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển (10/03)
Học gì ở nhóm ngành kinh tế, nông lâm, giao thông? (09/03)
Rớt tốt nghiệp vẫn có cơ hội học lên ĐH (09/03)
Những điều cần lưu ý khi khai hồ sơ ĐKDT (09/03)
Ôn thi thế nào để đạt điểm cao? (09/03)
Hồ sơ ĐKDT có mục ghi NV2? (06/03)
Thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có được chọn phần riêng? (06/03)
Thắc mắc về cách làm hồ sơ ĐKDT? (11/02)
Lực học được khoảng 21-22 điểm, nên thi trường nào? (06/02)
Thắc mắc về đề thi tuyển sinh ĐH? (06/02)
Khả năng được 15 điểm thì đỗ trường nào khối B? (15/01)
Chọn học ngành công nghệ thông tin sao cho tốt? (14/01)
Khối D thi được mấy trường? (14/01)
Ngành Kinh tế và Quản lý môi trường đào tạo gì? (12/01)
Có thể dự thi cùng lúc khối D1 và D4? (10/01)
Các trường ĐH sư phạm không tổ chức thi theo khối? (06/01)
Lực học trung bình muốn thi ngành CNTT? (06/01)
Hồ sơ ĐKDT năm 2009 có gì khác? (06/01)
Khởi động mùa tư vấn tuyển sinh 2009 (06/01)
Hai giấy dự thi báo giống nhau, phải làm sao? (06/01)
Giải đáp những thắc mắc "nóng" tuyển sinh 2008 (06/01)
Các học bổng toàn phần tại Singapore (28/08)
Học tập tại Hà Lan sử dụng ngôn ngữ nào? (28/08)
Cách tìm học bổng du học Hà Lan (28/08)
Cơ hội học bổng ngành dược ĐH Queensland, Úc (28/08)
ĐH Griffith & Học viện QIBT - Nơi học tập lý tưởng tại Australia (28/08)
Điều kiện du học Y khoa tại Úc (28/08)
Giúp bạn nhanh chóng hòa nhập khi đến Úc (28/08)
Muốn du học cấp 3 tại Úc (28/08)
 

Xem tin ngày:

  LIÊN KẾT NHANH


Lịch công tác

Thời khóa biểu

Danh bạ Giáo viên

Nộp đơn xin phép

Kết quả học tập

Kho tài liệu



THỐNG KÊ

Tổng số: 12233183 lần xem

Số người online: 152

  • Ghi nhớ website này
  • Đặt làm trang chủ
  • Thông báo cho bạn bè
  • Giới thiệu | Góp ý - Liên hệ

     
     ::Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Thành phố Đà Nẵng - Việt Nam
     Địa chỉ: 01 Vũ Văn Dũng, Q. Sơn Trà, TP. Đà Nẵng  *   Điện thoại: 0236.3944844
     Hiệu trưởng: TS. Lê Thanh Hải * Email: lethanhhai@lqddn.edu.vn  * Di động: 0913.598.844